AI, đe doạ hay cơ hội?
Trong khi phần đông của 8 tỷ người chưa biết, không quan tâm, thấy không có gì đặc biệt hay xem thường ChatGPT thì một số rất ít người đang hân hoan ứng dụng những thành tựu AI mới nhất như #ChatGPT, #Midjourney, #Codex, #Jasper_Art, #Rytr… để nâng cao đáng kể hiệu suất làm việc, học tập, và cả tư duy nữa. AI rất nhanh chóng đang thay đổi lối sống, việc làm, giải trí, và sẽ ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội. Cách đây vài năm thôi, một vài bộ óc thiên tài đã cảnh báo, sắp tới ngày AI vượt xa con người về trí tuệ, trở thành mối đe doạ lớn nhất của nhân loại.
Đã xa rồi cái ngày mà máy tính đánh bại các siêu đại kiện tướng cờ vua; cũng khá xa những ngày cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008 diễn ra, khi chỉ có vài nhà toán học hàng đầu hiểu được cách thức các thiết bị điện tử tài chính được lập trình, vận hành làm sụp đổ phố Walls và tài chính toàn cầu. Rất có thể chỉ vài năm nữa, nhân loại không còn khả năng hiểu được những sản phẩm do AI tạo ra. Câu hỏi thực tế nhất cần đặt ra là khi nào thì điều đó xảy ra?
Với những ai không quan tâm hoặc đánh giá thấp AI, có lẽ họ thấy “xài AI cũng vui đấy!” hoặc cho rằng AI giỏi lắm chỉ làm được những công việc đơn giản không đòi hỏi tính sáng tạo, chỉ thay thế được những kẻ ngốc, kiểu như “Nói chung AI là công cụ rất hữu hiệu cho những kẻ bất tài, thiếu trí tưởng tượng”. Với nhóm rất đông đảo này, ngày đó sẽ chẳng bao giờ tới.
Với số ít nhanh chân chớp lấy thành tựu AI, họ đang giành được những lợi thế nhất định. Trong số 30 gian hàng tại triển lãm AI4VN 2023 diễn ra từ 21-22/9/2023 tại TP HCM, đáng chú ý là một startup mang tên AIVA của nhóm các bạn trẻ người Việt, mới chỉ thành lập được 4 tháng nhưng thành tựu rất ấn tượng. Ứng dụng #AIVA phát triển trên nền ChatGPT, chuyên biệt thành hơn 300 trợ lý ảo, là các trợ thủ đắc lực tuyệt vời cho mọi vị trí trong doanh nghiệp, từ nhân viên tới CEO. Chỉ cần viết những câu lệnh đơn giản như ngôn ngữ đời thường, song kết quả chi tiết, nhanh chóng, đa diện, toàn diện hơn cả mong đợi. Nhóm startup này đang ngày đêm làm việc để ứng dụng ngày càng trở nên hiệu quả, cũng như tham vọng lan toả ứng dụng này ra toàn cầu. Với những người này, AI là công cụ tuyệt vời hỗ trợ đắc lực cho con người và mang lại vô số cơ hội kinh doanh mới (không phải đặc quyền của riêng #Silicon_Valley).
Nhưng AI sẽ không chỉ là những trợ lý ảo. AI tổng hợp, phân tích, tiêu hoá toàn bộ tri thức của loài người chỉ trong 4 tháng, rồi sau đó mở ra những khả năng vô tiền khoáng hậu: tự thiết kế lại bản thân nó (#Stephen_Hawking) hay tự ra quyết định và kiến tạo những ý tưởng mới (Yuval Noah Harari). Stephen Hawking không chỉ chắc chắn AI sẽ vượt xa loài người về trí tuệ, AI còn tạo ra những “siêu nhân” (superhumans), có thể tự chỉnh sửa trí thông minh, bộ gen, tuổi thọ, và tự thiết kế sự tiến hoá của chính mình. Sẽ xuất hiện vô số “#Eistein mới”, những siêu nhân đủ khả năng chinh phục những hành tinh mới. #Elon_Musk, người đang sở hữu công nghệ AI lái xe tự động đầu ngành, cảnh báo loài người về hiểm hoạ AI còn lớn hơn bom hạt nhân, do đó phải có ngay những định chế quốc gia và quốc tế kiểm soát sự phát triển của AI.
Câu hỏi đặt ra là, liệu loài người có thể kiểm soát được AI giống như kiểm soát bom hạt nhân, khi mà bom hạt nhân không thể tự nổ, còn AI có thể tự quyết định thả bom ở đâu và khi nào? Khi được hỏi “Sao chúng ta lại lo lắng về AI đến thế? Chẳng phải chúng ta luôn có thể rút phích cắm ư?”, Hawking hóm hỉnh trả lời: “Người ta đã hỏi máy tính là ‘có Chúa không?’, nó trả lời ‘Bây giờ thì có đấy’, và huỷ luôn cái phích cắm”
Theo Hoa Tina