Con đường từ nhân viên trở thành tỷ phú
Trong lịch sử nhân loại, có hai cách phổ biến nhất để trở thành tỷ phú, đó là sáng lập công ty và thừa kế tài sản. Riêng Steve Ballmer đã đi một con đường kỳ lạ để trở thành một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới.
Ballmer gia nhập Microsoft vào giữa năm 1980, tức sau 5 năm ngày thành lập và trở thành nhân viên thứ 30 của Microsoft. Thời điểm ấy Microsoft chỉ có 2 cổ đông duy nhất, Bill Gates sở hữu 64% và Pall Allen sở hữu 36%.
Nhận thấy Microsoft đang trong giai đoạn tăng trưởng hỗn loạn, quản lý khách hàng, quản lý tài chính yếu, cần sự giúp đỡ khẩn cấp, Bill Gates mời ông bạn học Ballmer về phụ trách quản trị tài chính và nhân sự của công ty, với mức đãi ngộ lương cơ bản 50.000 USD năm, cộng thêm 10% tổng mức tăng trưởng lợi nhuận mà Ballmer có thể làm ra.
Khi Microsoft tăng trưởng cao, phần 10% lợi nhuận mà Ballmer được hưởng bắt đầu leo cao và có vẻ mất kiểm soát, nếu hạn chế % lợi nhuận Ballmer được hưởng thì công ty sẽ mất động lực, cả nhà đầu tư mạo hiểm lẫm Bill Gates và Pall Allen đều nhận thấy rằng cần phải tổ chức lại Microsoft thành một công ty có cơ cấu sở hữu rộng hơn.
Nhận thấy mình và Allen chỉ quen lập trình, không có sở trường trong lĩnh vực tài chính, Gates và Allen đồng ý giao cho Ballmer và nhà đầu tư mạo hiểm phụ trách dự án cơ cấu lại sở hữu công ty. Ban đầu nhóm dự án đề xuất cơ cấu: Gates và Allen sẽ giữ 84%, Ballmer 8%, các nhân viên khác 8% với điều kiện huỷ bỏ điều khoản chia lợi nhuận 10%. Gates đồng ý với đề xuất này, nhưng Allen nhất định chỉ đồng ý 5% cho Ballmer. Cuối cùng Gates quyết định trích 3% của mình cho Ballmer cho đủ số 8%.
Như vậy cơ cấu sở hữu của Microsoft sau tái cơ cấu là: Gates 52.68%, Allen 31.32%, Ballmer 8%, các nhân viên còn lại 8%. Khi Microsoft lên sàn chứng khoán (13/03/1986), cả Gates, Allen và Ballmer đều trở thành tỷ phú và Microsoft có đến 12.000 nhân viên trở thành triệu phú.
Đấy chính là con đường đầu tiên đưa Ballmer từ một nhân viên trở thành tỷ phú giàu thứ 5 thế giới. Theo Bloomberg, ngày hôm qua (31/10/2023), tài sản của Ballmer là 117 tỷ USD, chỉ kém Bill Gates đúng 5 tỷ, đứng trên cả nhà sáng lập Oracle Larry Ellison (114 tỷ USD), thiên tài chứng khoán Warren Buffet (113 tỷ USD), hai nhà đồng sáng lập Google Larry Page (112 tỷ USD) và Sergey Brin (106 tỷ USD) và sáng lập Facebook Mark Zuckerberg (110 tỷ USD).
Nếu chỉ dừng ở đây thì sẽ có nhiều bạn cho rằng đơn giản quá, chỉ là gặp may, gặp thời, là bạn của Bill Gates và gia nhập Microsoft đúng thời điểm.
Không đơn giản thế đâu.
Việc đầu tiên Ballmer làm được là biến mình trở thành người không thể thiếu ở Microsoft. Cả Gates và Allen đều chỉ giỏi phần mềm, Ballmer giỏi về quản lý, đặc biệt là quản lý tài chính và nhân sự, không những thế Ballmer còn giỏi kinh doanh. Có câu chuyện rất hay khi quyết định chuyển Ballmer sang kinh doanh là Gates đã nói “Ơ, cậu rất hay đeo cà vạt và mặc áo vest, vậy cậu đi bán hàng đi, đi họp với IBM đi”. Chính sự tăng trưởng cao của Microsoft là có đóng góp rất lớn của Ballmer.
Việc thứ hai là Ballmer đã có đóng góp cực kỳ quan trọng trong việc ký kết hợp đồng với IBM về hệ điều hành PC-DOS (sau này thành MS-DOS và phát triển lên thành MS-Windows), một hợp đồng được coi là thương vụ tốt nhất trong lịch sử ngành công nghệ thông tin, đưa Microsoft từ công ty phần mềm nhỏ bé trở thành công ty thống trị thế giới về phần mềm trong suốt 40 năm qua.
Việc thứ ba là Ballmer rất trung thành với cổ phiếu Microsoft, trong khi Allen bán rất nhiều cổ phiếu Microsoft để phân tán đầu tư, Gates bán rất nhiều cổ phiếu Microsoft để phân tán đầu tư và làm từ thiện, thì Ballmer chỉ bán 333 triệu cổ phiếu Microsoft thu về cỡ 3.4 tỷ USD để làm từ thiện và đầu tư cho thú vui bóng rổ, mua CLB Los Angeles Clippers (hiện nay có giá trị 4.45 tỷ USD), đầu tư một chút cho Twitter. Không những thế số tiền cổ tức cỡ 4.5 tỷ USD từ Microsoft chia trong mấy chục năm, ngoài chi tiêu cho cá nhân, làm từ thiện Ballmer lại đầu tư mua cổ phiếu Microsoft.
Tôi rất thích câu nói thể hiện rất rõ tính cách cũng như chiến lược đầu tư của Ballmer: “Tôi vẫn giữ cổ phiếu Microsoft và vẫn đi xe Ford”.
Theo Mr Đỗ Cao Bảo - Cofounder FPT